top of page

ĐỂ THẤY THẾ GIỚI NHỎ BÉ HƠN

  • Nguyễn Trung Nghĩa (Thực tập sinh Mùa Hè 2015)
  • 4 thg 12, 2015
  • 7 phút đọc

Điều mà tất cả mọi người đều hay nói khi đi Exchange là sốc văn hóa, rào cản ngôn

ngữ hay là nỗi nhớ nhà. Cá nhân tôi khi đi Exchange tôi không gặp phải những thứ ấy,

mà tôi sốc nhiều về những thứ khác.

Ngày đầu tiên khi tôi đặt chân đến Sri Lanka, tôi tưởng rằng tôi vẫn ở Việt Nam. Cảnh

vật, cây cối hay khí hậu đều chẳng khác nhiều so với đất nước tôi. Trong tôi có cảm

giác bình thường, không có gì đặc biệt.

Câu chuyện bắt đầu khi tôi bước vào EPs House, tôi ở chung phòng với một cậu bạn

người Đài Loan và một cậu bạn người Trung Quốc. Ngay sau khi tôi cái lap của mình

ra khỏi balô, cậu bạn Trung Quốc nói:

- Oh, All of us use Asus.

- Yeah, Cause they are cheap and good, tôi trả lời.

- Do you know Asus from Taiwan? And HTC also?, cậu bạn người Đài Loan nói.

Cậu ta vừa nói vừa giơ chiếc điện thoại HTC trên tay lên một cách đầy tự hào, một

niềm tự hào mà hiện tại tôi chẳng thể nào có được. Nhìn lại mình, một “Made in

Vietnam” chính thống như tôi trên người chẳng thấy bất cứ một món nào “Made in

Vietnam” cả. Chuyến đi Exchange của tôi bắt đầu bằng một câu chuyện như thế.

Ngày chọn Sri Lanka làm điểm đến của mình tôi đã biết rằng Sri Lanka nổi tiếng về

thiên nhiên còn khá nguyên sơ. Nhưng đến khi ra đường tôi vẫn vô cùng ngạc nhiên

khi thấy từng đàn khỉ nối đuôi nhau đi trên dây điện hay một chú voi hoang dã bước đi

thong thả trên đường nhựa. Cũng chính vì vậy mà khi thấy một chú khỉ trên cành cây

ngay trong một khu dân cư tôi nói với mấy cô cậu bạn trong đoàn của mình.

- If they are in Vietnam, people will cook them.

Mở mồm ra nói, vẻ mặt bình thường nhưng lòng tôi nhói đau. Tôi đã thấy quá nhiều

cảnh những chú khỉ bị nhốt trong chuồng chờ bị làm thịt, hình ảnh người ta cầm một

bao tải đến vài chục cân xương khỉ để nấu cao, hay các bạn còn nhớ những bức ảnh

chú khỉ bị lột da sống gây sóng truyền thông thời gian trước? Nhìn từng đàn khỉ mà tôi

tự hỏi nghĩ không biết bao giờ cảnh tượng này mới xuất hiện ở Việt Nam khi mà việc

ăn thịt thú rừng đã trở thành một phong cách thời thượng và là thứ là người ta vẫn đua

nhau khoe như một biểu tượng của sự sành ăn.

Khi nghe tôi nói tôi đến từ Việt Nam thì hầu hết những người bạn ngoại quốc hầu hết

chỉ biết đến Việt Nam thông qua hai thứ:

1. Vietnam War.

2. Quần áo “Made in Vietnam” thường rất tốt và đẹp.

Bố mẹ tôi là bộ đội, từ bé tôi đã được bố dạy rằng phải biết ơn những người đã ngã

xuống để cho chúng ta có được độc lập như ngày hôm nay. 4000 năm lịch sử, đất nước

ta lớn dần lên theo những cuộc chiến, bao xương máu cha anh đã đổ xuống và thấm

đẫm mảnh đất nơi ta đang sống. Dải đất Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng phải oằn mình lên

để chống chịu những cuộc chiến tranh với bao đau thương, mất mát. Tất cả những điều

ấy nhắc cho chúng ta nhớ về nhiệm vụ của mình, của thanh niên đối với tương lai của

đất nước.

Người Việt chúng ta đứng đầu thế giới về sự khéo léo và tỉ mỉ, không phải ngẫu nhiên

mà hầu hết những mẫu giày cao cấp của Adidas, Nike… đều được gia công tại Việt

Nam. Nếu được tôi muốn bạn nghe thử câu chuyện về đôi giày của anh Nguyễn Hữu

Thái Hòa để thấy rằng chúng ta đang lãng phí những lợi thế trời ban ấy đến như thế

nào.

Còn bây giờ đến câu chuyện nhỏ của tôi.

Cũng giống như câu chuyện của bao bạn thực tập sinh khác. Trong khi tôi hoang

mang, lạc lối trong con đường đi tìm kiếm bản thân mình. Tôi đã quá mệt mỏi với

những môn học ở trường, những thứ lặp đi lặp lại trong một cuộc sống. Trong lúc tôi

cần nhất một khoảng lặng, một thứ giúp tôi làm mới lại bản thân mình thì tôi thấy nó,

chương trình Công dân toàn cầu – Global Citizens. Tôi nhận được 1 email từ AIESEC

“Chỉ còn hai ngày nữa là hết hạn đăng ký chương trình” đến lúc đó tôi mới biết

chương trình là gì và trong tôi nảy ra suy nghĩ “Kệ m* nó, nộp đơn thôi mà. Được thì

được không được thôi”. Và cho đến giờ có thể nói đây là một trong những điều tốt đẹp

nhất xảy đến với tôi trong suốt 20 năm qua.

Đến lúc chọn dự án tôi mới thấy rằng tôi mù mờ về bản thân mình đến như thế nào.

Khi bé buddy hỏi tôi “Anh thích dự án như thế nào?” tôi khựng lại một chút và nói

“Cái gì anh cũng thích, nhưng anh cóc biết anh thích cái gì”. May mắn sao đó trong tôi

vẫn còn sót lại chút gì đó của sự ưa khám phá nên tôi chọn “Explore Sri Lanka”.

Tôi hay thức khuya nên các bạn trong dự án nói rằng tôi không bao giờ ngủ. Tôi cũng

hay lên mái nhà vào ban đêm để ngồi một mình. Cũng nhờ những lần lên mái nhà hay

thức khuya ấy mà tôi có những dịp nói chuyện riêng thâu đêm đầy thú vị với những

người bạn khác. Những câu chuyện không đầu không cuối về thế hệ chúng tôi, về

những ước mơ của bản thân, về những điều chướng tai gai mắt mà chúng tôi gặp, về

những điều đao to búa lớn như đất nước trong con mắt nhỏ bé và tầm suy nghĩ còn hạn

chế của những đứa trẻ như chúng tôi.

Tôi thích những người lao động bình thường nên tôi hay ngồi nói chuyện với những

người bán rong, anh tài xế, người nông dân trồng chè thích nói chuyện, anh giáo viên

dạy nhạc ngồi cạnh trên một chuyến xe bus hay một nhà sư tôi gặp trong một chuyến

tàu đêm. Họ không biết nhiều Tiếng Anh, tôi cũng vậy. Nhưng tôi thích nói chuyện

với họ, có những lúc chúng ta không cần ngôn ngữ để hiểu nhau.

Và chính từ những câu chuyện ấy đã khiến tôi nhận ra rằng tôi muốn được đi, được

gặp nhiều người để được nghe và hiểu nhiều điều hơn nữa.

Sau chuyến đi tôi nhận ra mình thực sự quá may mắn, may mắn vì đã chọn để tham gia

chương trình này, may mắn vì có một gia đình luôn ủng hộ những điều tôi làm mà

không cần thuyết phục quá nhiều, may mắn vì đã chọn một dự án vô cùng tuyệt vời.

Tôi thật sự biết ơn những điều đó. Tôi nghĩ là tôi đã đúng, đã quá đúng khi chọn để

tham gia dự án này.

Trong dự án, chúng tôi được đi hầu hết những địa điểm nổi tiếng của Sri Lanka. Để

thấy được vẻ đẹp thiên nhiên của “Hòn ngọc Ấn Độ Dương” qua những khu rừng nhiệt

đới, những bãi biển tuyệt đẹp hay khi ngắm mặt trời mọc trên một đỉnh núi. Để khám

phá những nét đẹp văn hóa của một quốc gia Nam Á thông qua những trang phục

truyền thống, những di tích lịch sử, những lễ hội văn hóa. Để cảm nhận chiều sâu văn

hóa tôn giáo qua những ngôi chùa, đền thờ và ảnh hưởng của tôn giáo đến cuộc sống

của những con người nơi đây.

Và thứ mà tôi chẳng thể nào quên được là những người bạn từ khắp nơi trên thế giới

và những kỷ niệm mà chúng tôi đã có với nhau. Hai mươi mốt con người đến từ mười

quốc gia và vùng lãnh thổ với đủ mọi nền văn hóa cùng sống với nhau 6 tuần dưới

cùng một mái nhà. Chúng tôi ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau, đi chơi cùng nhau, “nhậu”

cùng nhau, “quẩy” cùng nhau. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những điều đặc biệt ở

văn hóa nước mình, chúng tôi dạy nhau ngôn ngữ mẹ đẻ (hầu hết là nói bậy). Chúng

tôi ôm nhau hò hét, bật nhạc và nhảy AIESEC Dance ngay tại sân bay khi mỗi bạn về

nước. Có những cô bạn bật khóc ngay tại sân bay và tiếp tục khóc trên máy bay cho tới

khi về đến nhà. Chúng tôi trao cho nhau tình cảm mà không hề toan tính và đều nhận

ra rằng dường như sau 6 tuần, những người bạn này đã trở thành một điều gì đó giống

như gia đình và Sri Lanka đã trở thành một mái nhà chung cho chúng tôi, những người

đến từ những nơi vô cùng khác nhau chỉ gặp nhau một cách tình cờ nhưng đầy may

mắn. Tình cảm giữa người với người thật kỳ diệu và vẫn là một trong những điều tốt

đẹp nhất tồn tại trên thế gian này.

Và giờ đây với những người bạn cùng với những lời mời đến thăm từ khắp nơi trên thế

giới, tôi cảm thấy thế giới không còn rộng lớn như trước nữa. Hãy đi đi, đi để thấy thế

giới này nhỏ bé hơn!

P/s: Khi kể cho bố nghe câu chuyện của mình. Bố tôi bảo: “Tất cả những điều ấy đều

hướng đến một điều, là hòa bình…”

 
 
 

Comments


Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Archive
bottom of page